Nhiều cặp vợ chồng hiện hiếm muộn chưa có con. Nguyên nhân một phần do người chồng bị vô tinh. Vậy làm thế nào để có thế sinh con? Hãy đọc bài viết sau nhé
Vô tinh (không có tinh trùng) là gì?
Vô tinh thuật ngữ y học gọi là azoospermia. Đây là tình trạng nam giới không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch được xuất ra. Là bệnh lý có rất nhiều nguyên nhân và còn khó chữa đối với chuyên ngành nam khoa. Cần phân biệt với vô tinh và xuất tinh ngược (tinh dịch xuất ngược lên trên bàng quang) và các trường hợp xuất tinh khô (có khoái cảm mà không xuất được tinh).
Tần suất vô tinh chiếm khoảng 10% trong các cặp vô sinh, và chiếm khoảng 1% quần thể dân số nam giới.
Vậy làm sao để có con khi bị vô tinh?
Vô tinh có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý phức tạp kéo dài, có thể là các bệnh mãn tính hay cấp tính hay bẩm sinh. Tuy nhiên việc điều trị vô tinh thì chưa bao giờ là dễ dàng cả. Hiện nay tỷ lệ chữa khỏi được vô tinh bằng thuốc để kích thích sinh ra tinh trùng là rất ít ước tính khoảng 5-10%. Bằng phẫu thuật khoảng 20-30%, còn lại phải trông cậy vào hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên nhiều trường hợp cũng không giải quyết được bằng kỹ thuật sinh sản đành phải xin tinh trùng hoặc xin con nuôi.
Phân loại vô tinh
Có nhiều cách phân loại vô sinh ở nam giới. Phân loại dựa theo nguyên nhân, phân loại dựa theo trục tuyến sinh dục, phân loại theo biểu hiện lâm sàng, phân loại theo khả năng điều trị.
Phân loại vô sinh theo trục tuyến sinh dục
Lấy tinh hoàn là trung tâm chia ra làm 3 nhóm
- Nguyên nhân trước tinh hoàn hay còn gọi là vô tinh trung ương: Do tổn thương vùng dưới đồi tuyến yên. Tinh trùng không được sản xuất ra tuy nhiên vẫn còn tế bào mầm để kích thích sinh tinh nếu đưa thuốc vào. Chính vì thế đây là loại tiên lượng điều trị tốt nhất và khả quan nhất.
- Nguyên nhân tại tinh hoàn: Vô tinh nguyên phát, nhiễm độc, bệnh lý gene di truyền. Tinh trùng không sản xuất ra được hoặc sản xuất rất rất ít lưa thưa vài đám nhỏ trong nhu mô tinh hoàn.
- Sau tinh hoàn: Vô tinh sau tinh hoàn: Thường do viêm nhiễm sinh dục, tắc đường dẫn tinh, tinh trùng vẫn sản xuất ra được nhưng không thoát ra ngoài được.
Phân loại vô sinh theo nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
- Nguyên nhân vô sinh di truyền: Mất đoạn nhiễm sắc thể Y, hội chứng Klinefelter, hội chứng Kallman…
- Nguyên nhân do rối loạn nội tiết, suy sinh dục, giảm FSH, LH, giảm testosterone, tăng prolactin, dư thừa estrogene, tăng testosterone…
- Nguyên nhân do viêm tinh hoàn viêm tinh hoàn do quai bị
- Nguyên nhân chấn thương: Chấn thương tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, vỡ xương chậu
- Nguyên nhân do giãn tĩnh mạch tinh
- Nguyên nhân vô sinh do nhiễm độc
- Nguyên nhân do tinh hoàn ẩn,
- Nguyên nhân do tắc nghẽn viêm tắc đường dẫn tinh, bất sản ống dẫn tinh, thắt ống dẫn tinh
- Không rõ nguyên nhân vô căn
- …
Phân loại theo tình trạng tắc
- Vô tinh bế tắc: Chiếm 40%, vô tinh bế tắc điều trị được bằng phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản.
- Vô tinh không bế tắc: Chiếm 60%, vô tinh không bế tắc điều trị theo nguyên tắc bảo tồn đi từ dùng thuốc, đến phẫu thuật kết hợp hỗ trợ sinh sản (kỹ thuật TESE hoặc Micro TESE/ICSI).
Các vị trí tắc của đường dẫn tinh màu đỏ
Trong thực tế khám và điều trị các chuyên gia phân loại theo hai tổ hợp của tình trạng tắc và trục tuyến sinh dục để dễ điều trị can thiệp do đó sẽ có ba loại sau.
- Vô tinh bế tắc.
- Vô tinh không bế tắc trước tinh hoàn, hay vô tinh không bế tắc trung ương (điều trị được bằng thuốc)
- Vô tinh không bế tắc tại tinh hoàn. Rất khó điều trị bằng thuốc trông cậy vào phẫu thuật tìm tinh trùng kết hợp với hỗ trợ sinh sản
Biểu hiện lâm sàng bệnh vô tinh ở nam giới
Có rất nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, các biểu hiện luôn có đó là.
- Muộn con, mong con lâu hơn 1 năm mà không có.
- Tinh dịch xuất ra ít không có tinh trùng.
Các biểu hiện khác về tình dục, sinh sản có thể có có thể không có thể liệt kê ra.
- Các dấu hiệu suy sinh dục, suy giảm nồng độ testosterone: Giảm ham muốn, rồi loạn cương, không xuất tinh, lông mu lông nách, râu ria thưa hoặc không có, tinh dịch ít loãng, thiếu máu, da trắng bệu mỡ dưới da dày…
- Tinh hoàn bất thường như: Tinh hoàn lạc chỗ không nằm trong bìu. Tinh hoàn teo nhỏ, mềm nhẽo hoặc Tinh hoàn to chắc trong viêm lao ung thư hoặc tiền sử có sưng đau, chấn thương, viêm tinh hoàn xoắn tinh hoàn.
- Không sờ thấy ống dẫn tinh
- Giãn tĩnh mạch tinh
- Các dấu hiệu của viêm tắc đường dẫn tinh, ống dẫn tinh dày chắc, mào tinh căng to, tiền sử viêm nhiễm tiết niệu sinh dục, viêm mào tinh hoàn, chấn thương mào tinh, lao sinh dục, Viêm nhiễm da bìu cơ bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, chấn thương sinh dục…
- Các dấu hiệu bất thường cơ thể khác như người cao, vú to trong hội chứng Kallmann, Klinefelter…
- Ung thư tinh hoàn, tiền sử tiếp xúc hóa chất, độc chất sinh sản…
- Rối loạn chuyển hóa, suy gan, suy thận…
Các xét nghiệm thăm dò
- Nội tiết tố: LH, FSH thấp trong suy sinh dục trung ương, bình thường trong tắc, hoặc cao trong suy tinh hoàn nguyên phát. Testosterone thấp
- Tinh dịch đồ không có tinh trùng, nồng độ kẽm thấp, Fructose cao trong tắc
- Kháng thể kháng tinh trùng, bạch cầu trong tinh dịch…
- Viêm nhiễm sinh dục: Bạch cầu niệu, CRP tăng, phát hiện tác nhân viêm nhiễm như: Lậu, Chlamydia, Mycoplasma, Ureaplasma…
- Các xét nghiệm di truyền: Mất đoạn AZF, đột biến nhiễm sắc thể…
- Siêu âm giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn teo bé, nhu mô bất thường, độ đàn hồi mô tinh hoàn kém.
- Cộng hưởng từ: Phát hiện khối u tuyến yên, khối u hay bất thường đường dẫn tinh như phình tắc ống phóng tinh, sỏi túi tinh…
- …
Giãn ống dẫn tinh dạng nang trên hình ảnh siêu âm của chúng tôi
Điều trị vô tinh
Dùng thuốc điều trị
- Thuốc kháng sinh chống viêm: Trong các trường hợp viêm nhiễm
- Thuốc kích thích sinh tinh: Gonadotropins, hCG,
- Các loại kháng estrogen: Clomiphen citrate, Tamoxiphene
- Các loại ức chế men aromatase: Anastrozole, Letrozole…
Phẫu thuật vô tinh
Có hai loại phẫu thuật trong điều trị vô sinh đó là phẫu thuật can thiệp trên nguyên nhân gây bệnh như:
- Phẫu thuật can thiệp trên nguyên nhân như: Phẫu thuật điều tĩnh mạch tinh giãn, phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn, phẫu thuật nối thông đường dẫn tinh (nối ống dẫn tinh - ống dẫn tinh, nối ống dẫn tinh - ống mào tinh, cắt đốt nội soi ống phóng tinh...)
- Phẫu thuật tìm và thu lượm tinh trùng: Phục vụ hỗ trợ sinh sản: Phẫu thuật vi phẫu mào tinh tìm tinh trùng (MESA), phẫu thuật tinh hoàn tìm tinh trùng (TESE, Micro-TESE)
Hỗ trợ sinh sản
- Thủ thuật phẫu thuật tìm tinh trùng kết hợp với hỗ trợ sinh sản (PESA/TESE, Micro-TESE/ICSI).
- Xin tinh trùng
- Xin con nuôi
Mọi tư vấn thắc mắc, quý vị có thể liên lạc qua fanpage bác sỹ Hưng: Nam khoa Dr Hưng
Tài liệu tham khảo
- Who.int
- Đỗ Trọng Hiếu, Nguyễn Đình Tảo, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Bá Hưng: Nam học tình dục và hiếm muộn. Nhà xuất bản Y học 2018