Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh gặp phổ biến nhất chiếm hơn 80 % trường hợp và khoảng 1% ở nam giới trên 40 tuổi. Cùng bác sỹ nam khoa Nguyễn Bá Hưng tìm hiểu nhữn biểu hiện của bệnh tràn dịch màng tinh hoàn và phương pháp điều trị nhé!
Tràn dịch màng tinh hoàn là gì?
Tràn dịch màng tinh hoàn hay còn gọi là tràn dịch tinh mạc. Đây là tình trạng tích đọng dịch quá mức ở màng tinh hoàn. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn.
Tần suất mắc bệnh tràn dịch màng tinh hoàn
Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh gặp phổ biến nhất chiếm hơn 80 % trường hợp và khoảng 1% ở nam giới trên 40 tuổi, còn lại là những trường hợp tràn dịch mắc phải ở người lớn
Cấu trúc giải phẫu
Màng tinh hoàn có hai lớp lớp lá tạng (bao và gắn chặt với cấu trúc vỏ tinh hoàn) và lớp lá thành bao toàn bộ lớp lá tạng, giữa hai lớp này luôn có một lớp dịch mỏng để tinh hoàn có thể dị động và trượt một cách trơn chu. Do từ thời kỳ phôi thai tinh hoàn được phúc mạc bao bọc, sự đi xuống của tinh hoàn là quá trình đẩy thành bụng xuống bìu nên màng tinh hoàn còn có tên khác là phúc tinh mạc. Tràn dịch màng tinh hoàn còn gọi với tên khác là tràn dịch phúc tinh mạc.
Nguyên nhân gây ra tràn dịch màng tinh hoàn
Do khiếm khuyết về hấp thu dịch của màng này hay gặp ở trẻ em (dịch từ ổ bụng đi xuống và màng này không thoát hết được dịch), do tình trạng quá kích dẫn đến tăng tiết dịch và gây nên hiện tượng ứ dịch ở màng tinh hoàn,
Do viêm nhiễm: Viêm tinh hoàn mào tinh hoàn, nhiễm lao, và một số vi sinh vật khác như: giun chỉ gây viêm tắc tĩnh mạch bạch huyết làm ứ dịch
Do chấn thương sang chấn
Các bệnh lý toàn than gây ứ trệ tuần hoàn ngoại vi, ung thư, xơ gan, suy tim...
Biểu hiện của bệnh tràn dịch màng tinh hoàn
Bìu phình to, sa xuống và không giảm khi thay đổi tư thế hay khi thót bụng lại, Có thể bị một hoặc cả hai bên nhưng thông thường bị một bên, bìu phình to và da bìu căng bóng.
Dịch tích tụ ở màng tinh dẫn đến bìu bị phồng to
Trường hợp chứa nhiều dịch, bìu căng to và sa xuống đẩy tinh hoàn xuống rất khó xác định được thể tích và mật độ tinh hoàn.
Gây cảm giác khó chịu vướng vìu khi đi lại.
Các bệnh cảnh của nguyên nhân gây bệnh như: Sưng nóng đỏ đau ở bìu khi có viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, lao hay đau bầm tím sau chấn thương.
Chẩn đoán
Khá đơn giản qua việc khám lâm sàng quan sát thấy bìu to căng không thay đổi tư thế
Chẩn đoán phân biệt:
Cần phân biệt tràn dịch với tình trạng thoát vị bẹn. Trong thoát vị bẹn hiện tượng sa bìu thường không liên tục mà thường sẹp xuống khi nằm. Khám thấy lỗ bẹn rộng đút lọt ngón tay. Để xác định cần phải siêu âm. Trên siêu âm thấy hình ảnh khoảng trống âm bao trùm toàn bộ bìu. Đè đẩy tinh hoàn sang 1 bên hoặc xuống dưới. Hoặc phối hợp với các xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân cần làm như sinh hóa, tế bào dịch màng tinh hoàn tìm tế bào ung thư, PCR lao.
Hình ảnh bìu phồng to do bị tràn dịch màng tinh hoàn
Điều trị tràn dịch màng tinh hoàn
Theo dõi đối với trường hợp tràn dịch bẩm sinh
Theo dõi trong 24 tháng đầu đối với tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh (xuất hiện ngay sau đẻ hoặc sau vài tháng sau đẻ) phần lớn sẽ tự hết. Nguyên nhân thường do quá trình phân chia và xoay của màng bụng (đoạn bọc tinh hoàn không kín). Nên lượng dịch từ màng bụng chảy xuống và đọng lại tại phần thấp này. Việc hoàn thiện quá trình đóng kín của màng bụng kéo dài tiếp tục trong khoảng 2 năm sau khi sinh. Chính vì thế khi trẻ em có tràn dịch màng tinh hoàn trong hai năm đầu không nên điều trị gì.
Điều trị nội khoa (thuốc)
Các trường hợp do lao, do viêm nhiễm khuẩn đường sinh sản, do nhiễm ký sinh trùng giun chỉ…. Sử dụng kháng sinh, kháng viêm, thuốc kháng lao hay diệt ký sinh trùng theo hướng dẫn điều trị của từng bệnh lý
Các trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn do ứ trệ tuần hoàn ngoại vi điều trị các nguyên nhân như suy tim, xơ gan sẽ dần tự khỏi theo tiến triển của bệnh lý này.
Phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn
Đối với trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra ở nam giới lớn tuổi khi đã loại trừ bởi các nguyên nhân có thể điều trị được bằng thuốc. Việc phẫu thuật nên tiến hành khi mà lượng dịch nhiều gây đau và bất tiện trong sinh hoạt.
Phẫu thuật có thể tiến hành qua hai phương pháp:
Phương pháp mở cửa sổ: Mở và cắt một phần màng tinh hoàn rồi lộn màng tinh hoàn và khâu đính hai mép màng tinh hoàn vào nhau ngay phía sau mào tinh hoàn. Phương pháp mở và cắt bỏ màng tinh hoàn. Chú ý trong phẫu thuật này các mạch từ cân cơ và màng tinh hoàn giãn rất nhiều nên việc cầm máu càn rất cẩn thận.
Hình ảnh phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn
Bác sỹ Nguyễn Bá Hưng
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Trọng Hiếu, Dương Trọng Hiếu, Nguyễn Bá Hưng. Rối loạn tình dục và hiếm muộn ở Nam giới. Nhà xuất bản Y học 2013
- Đỗ Trọng Hiếu, Nguyễn Đình Tảo, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Bá Hưng. Nam học tình dục và hiếm muộn. Nhà xuất bản Y học 2018.