Submit Your Site To The Web's Top 50 Search Engines for Free!

Những biểu hiện của bệnh ghẻ và cách điều trị hiệu quả

Những biểu hiện của bệnh ghẻ và cách điều trị hiệu quả

730

 

Bệnh ghẻ không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng chàm hóa, nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp…

Bệnh ghẻ là gì?

Ghẻ, hay bệnh ghẻ, tên dân gian còn gọi là ghẻ lở. Đây là bệnh truyền nhiễm trên da do một loại kí sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis) gây ra. Sinh vật này có khả năng lây nhiễm cao và lây truyền khi tiếp xúc gần gũi da với da.

Bệnh ghẻ là một trong những bệnh da liễu phổ biến ở nước ta. Là bệnh da liễu phổ biến nhất được quan sát thấy ở những người đến khám tại các phòng khám lây nhiễm qua đường tình dục. Hiện nay cũng đã có một số chuyên gia cũng đã coi bệnh ghẻ thuộc nhóm bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Bệnh ghẻ không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Nhưng nếu không được điều trị sớm bệnh gây ra những biến chứng chàm hóa, nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp…

Ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scarbiei hominis. Có hình bầu dục, bụng có 8 chân, lưng có gai xiên về phía sau. Đầu có vòi hút nước để hút thức ăn và đào hầm vào lớp thượng bì. Trung bình ghẻ cái đẻ 1-5 trứng mỗi ngày. Trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần để trở thành ghẻ trưởng thành, ghẻ cái.

Cạnh cảnh đầu con ghẻ cáiCạnh cảnh đầu con ghẻ cái

Biểu hiện khi mắc bệnh ghẻ

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ghẻ chính là phát ban sẩn ngứa dữ dội. Thường kèm theo xuất tiết thứ phát như: Dày sừng, nốt sần, mụn nước hoặc bóng nước. Hầu hết những biểu hiện này là do quá mẫn cảm với chất tiết (phân & trứng) của con ghẻ nước. Chính vì thế các triệu chứng thường phát triển từ 2–4 tuần sau khi nhiễm lần nhiễm đầu tiên nhưng thường trong vòng 1–2 ngày ở các lần nhiễm tiếp theo.

Nhiễm trùng do tụ cầu hoặc liên cầu thứ phát sau khi bị gãi chầy da làm trầm trọng thêm bệnh ghẻ. Đặc biệt là ở trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như đang sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh nhân AIDS…

Ghẻ cái dưới kính hiển viGhẻ cái dưới kính hiển vi

Dịch tễ học bệnh ghẻ

Tần suất, tỷ lệ mắc

Chưa có dữ liệu chính xác về tỷ lệ mắc bệnh, nhưng là bệnh da liễu khá phổ biến ở một nước nhiệt đới như nước ta. Tỷ lệ gặp bệnh ghẻ ở các cơ sở khám nam khoa, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khoảng dưới 5% số ca khám. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi.

Quá trình lây truyền

  • Tiếp xúc da kề da hoặc tiếp xúc với các ổ nhiễm trùng, ví dụ, khăn trải giường hoặc mặc quần áo chung
  • Tiếp xúc tình dục có thể là phương thức hay gặp ở thanh niên
  • Tiếp xúc ngoài đời thường, môi trường, nguồn nước…chiếm nhiều trường hợp trong các hộ gia đình…

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Các môi trường vệ sinh kém và đông đúc, ví dụ: nơi tạm trú cho người vô gia cư
  • Lây truyền bệnh viện cho nhân viên y tế đôi khi xảy ra, đặc biệt nếu trường hợp ban đầu có lượng kí sinh trùng đặc biệt cao.

Con ghẻ trên daCận cảnh con ghẻ trên da

Thời gian ủ bệnh và các tổn thương do bệnh ghẻ gây ra

Thời gian ủ bệnh:

Từ khi có tiếp xúc với người bị ghẻ, có quan hệ tình dục, sống chung, đặc biệt là chuyển đến ở những nơi kém vệ sinh

  • Thông thường sau 2–4 tuần kể từ khi nhiễm bệnh đến khi có các triệu chứng đầu tiên. Trường hợp ngắn có thể sau 1–2 ngày đối với các lần nhiễm bệnh tiếp theo, do quá mẫn cảm

Các tổn thương do bệnh ghẻ:

  • Tổn thương dạng mụn nước. Xuất hiện cục bộ ở các vùng da mỏng: kẽ ngón tay, kẽ chân, kẽ bẹn, mặt trong cánh tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, kẽ mông, bộ phận sinh dục hoặc toàn thân.
  • Ngứa khi có các nốt mụn nước. Ngứa dữ dội, ngứa nhiều hơn vào ban đêm hoặc trầm trọng hơn khi tắm.
  • Thương tổn điển hình là “luống ghẻ” là một đường hầm dài thường 0,3–1,0 cm đánh dấu đường đi của ghẻ cái. Trên đường hầm có chấm đen hoặc mụn nước nhỏ. Dùng kim chọc vào đây có thể bắt được ghẻ cái. Luống ghẻ chỉ tìm thấy ở kẽ ngón tay, bàn tay nếp gấp cổ tay, quy đầu. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm được dấu hiệu luống ghẻ này.
  • Sẩn cục hay sẩn huyết thanh hay gặp ở nách bẹn bìu.
  • Phát ban da dạng sẩn, thường kèm theo ngoại ban thứ phát.
  • Các vết chầy xước, vảy da, đỏ da, dát thâm có thể bội nhiễm hoặc chàm hóa.
  • Đôi khi có mụn nước, nốt sần, tổn thương vảy, bóng nước hoặc mảng xuất huyết.
  • Thường gặp mụn mủ nhiễm trùng lần thứ hai hoặc viêm mô tế bào khu trú.
  • Bệnh ghẻ vảy (Na Uy) biểu hiện bằng tăng sừng rõ rệt, các vết nứt và nhiễm trùng thứ phát.

Hình ảnh tổn thương ở bộ phận sinh dục do bệnh ghẻ gây ra

Xét nghiệm thăm dò

  • Soi kính hiển vi bệnh phẩm là dịch từ luống ghẻ hoặc cạo các tổn thương tìm thấy ghẻ cái.

Chuẩn đoán

  • Chẩn đoán thường được dựa trên các triệu chứng và biểu hiện thông qua khám bệnh bởi bác sỹ chuyên khoa.
  • Dấu hiệu luống ghẻ trên tổn thương da, có thể làm rõ hầm ghẻ qua sử dụng mực gốc nước. Sau đó lau bằng cồn có thể làm nổi bật các hang trong da của ghẻ cái.
  • Xác nhận bằng soi thấy kí sinh trùng ghẻ nước trên kính hiển vi tuy nhiên không phải tất cả trường hợp ghẻ đều thấy được ghẻ nước.

Hang do ghẻ cái đào dưới daHang do ghẻ cái đào dưới da

Điều trị bệnh ghẻ thế nào?

Dùng thuốc là chủ yếu, có nhiều loại thuốc để lựa chọn.

  • Permethrin 5% dạng kem, thoa lên tổn thương.
  • Ivermectin 250 μg/kg trọng lượng dạng uống.
  • Lindane 1% lotion (1 oz) hoặc kem (30 g) thoa lên toàn bộ bề mặt da bên dưới cổ, rửa sạch sau 8 giờ. Vì nguy cơ độc tính, chỉ nên được sử dụng nếu không có sẵn các phác đồ lựa chọn hoặc không hiệu quả
  • DEP (Diethylphlate): Dạng nước hoặc dạng kem bôi vào tổn thương ngày 02 lần đến khi hết ngứa

Cách bôi: Tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng sau đó bôi thuốc vào tổn thương ngày 1-2 lần

Điều trị bổ trợ

  • Thuốc kháng histamine (ví dụ: diphenhydramine, hydrazine) hoặc các loại thuốc chống ngứa khác có thể làm giảm triệu chứng
  • Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định nếu bị nhiễm vi khuẩn thứ phát

Phòng ngừa bệnh ghẻ

  • Chủ yếu là tránh tiếp xúc tình dục có nguy cơ cao, ở chung trong những nơi có vệ sinh kém và tiếp xúc cá nhân trực tiếp với những người bị nhiễm bệnh.
  • Khám và điều trị cả với bạn tình và những người ở chung, mặc chung quần áo với người bị lây nhiễm.
  • Giặt sạch & phơi khô khăn tắm, ga trải giường và tất cả quần áo đã sử dụng, vệ sinh nguồn nước…

 Bs Nguyễn Bá Hưng

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Văn Hiển. Da liễu học. Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tháng 4/2012.
  2. Scabies
  3. mayoclinic.org
  4. dermnetnz.org