Bệnh giang mai là bệnh gây ra do quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh. Bệnh này có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan. Không những vậy khi mắc bệnh giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai sau khi sinh.
Bệnh giang mai là như thế nào?
Giang mai hay còn gọi là bệnh hoa liễu, là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do vi khuẩn giang mai gây ra. Bệnh gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, diễn tiến phức tạp dai dẳng và để lại nhiều di chứng nếu không được điều trị đúng đủ liều và triệt để.
Giang mai được coi là bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STDs) phổ biến thứ 3 sau Chlamydia, Lậu. Vi khuẩn giang mai (Treponema pallidum) xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ tình dục không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng). Hoặc qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai. Hơn nữa vi khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai gây ra những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho em bé…
Đã có nhiều những nhân vật nổi tiếng từng nhiễm bệnh này được y văn ghi lại như: họa sỹ Van Gogh, vua Henrry VIII…[1]
Bệnh giăng mai ở trẻ do bị truyền từ người mẹ mắc bệnh sang
Những triệu chứng của bệnh giang mai qua các giai đoạn
Giang mai có thế tiến triển qua rất nhiều giai đoạn bệnh khác nhau, các giai đoạn của giang mai bao gồm:
Giang mai có triệu chứng:
Gồm Giang mai I (giang mai điển hình hay giang mai sớm) và Giang mai II:
Giang mai I:
Triệu chứng khởi phát sau tiếp xúc tình dục không an toàn khoảng 10-90 ngày. Các triệu chứng biểu hiện rất điển hình chỉ xảy ra ở giai đoạn này bao gồm:
Săng giang mai: Là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, nền màu đỏ như thịt tươi & cứng, không đau. Săng thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật... Ngoài ra, săng giang mai có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi... Săng này tự mất sau 4-8 tuần mà không cần điều trị.
Hình ảnh bị săng giang mai ở nam giới
Hạch bẹn: Xuất hiện 5 - 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
Giang mai thời kỳ II:
Bắt đầu sau khi hết săng giang mai khoảng 6-8 tuần lúc này vi khuẩn xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Các triệu chứng ở giai đoạn này là nóng sốt và nổi hạch như:
Các ban dát đỏ hồng rải rác ở thân mình cả lòng bàn tay, ban có hình thái đa dạng (đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh, ban giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử...)
Sẩn phì đại thường hay gặp ở hậu môn và sinh dục
Viêm hạch lan tỏa
Rụng tóc kiểu rừng thưa.
Ban giang mai II mọc ở bàn tay
Ban giang mai II mọc toàn thân
Giang mai kín:
Giai đoạn này kéo dài nhiều năm sau giang mai II có thể lên đến 25 năm mà không có các triệu chứng gì. Các ban, hạch giang mai hay các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân ở thời kỳ Giang mai II tự biến mất và không có triệu chứng gì.
Để phát hiện Giang mai ở giai đoạn này chỉ có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm sàng lọc. Tuy nhiên giai đoạn này không chẩn đoán chính xác được bệnh giang mai mà chẩn đoán gián tiếp qua xét nghiệm huyết thanh.
Giang mai sâu hay giang mai III (giang mai biến chứng):
Xuất hiện từ khoảng 3-10 năm thậm chí là 25 năm sau khi bị nhiễm bệnh, quá trình bệnh lý tiến triển chậm và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào. Giai đoàn này thường được cho là không có thể lây nhiễm vì vi khuẩn này đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa. Các biểu hiện có thể bao gồm những điều sau:
Rối loạn tiền đình, mất thăng bằng, dị cảm, tiểu không kiểm soát và bất lực
Dấu hiệu thần kinh: Rối loạn thính giác thần kinh nhạy cảm và mất thị lực, sa sút trí tuệ, liệt thần kinh
Đau ngực, đau lưng, thở gấp hoặc các triệu chứng khác liên quan đến chứng phình động mạch chủ
“Gôm” Giang mai ở da cơ xương (hình 4)…
Tổn thương do giang mai giai đoạn III gây ra
Giang mai bẩm sinh:
Xuất hiện sau sinh với các biểu hiện:
Biến dạng hộp sọ, khớp xương
Thiếu máu nặng
Phì đại gan và lá lách
Vàng da và vàng mắt
Các vấn đề về não và thần kinh, như mù hoặc điếc
Viêm màng não.
Điều trị bệnh giang mai như thế nào?
Nguyên tắc: Điều trị bệnh giăng mai sớm và đủ liều và triệt để tất cả các bạn tình. Mục tiêu ngăn chặn lây lan, đề phòng tái phát và di chứng.
Penicillin là thuốc được lựa chọn, cho đến nay chưa có trường hợp nào xoắn khuẩn giang mai kháng Penicillin. Hiện hay dùng loại penicillin chậm tốt hơn là các loại Penicilin tác dụng nhanh.
Liều dùng thông thường Benzathin peniciline 2.400.000 IU tiêm bắp sâu liều duy nhất cho Giang mai I. Đối với các Giang mai II, kín, Giang mai III liều thường được sử dụng kéo dài hơn.
Trường hợp dị ứng với Penicilin cần thay thế bằng Doxycycline, Tetracycline…
Tổn thương do bệnh giang mai xuất hiện ở lưỡi
Phòng ngừa bệnh giang mai ra sao?
Không có thuốc chủng ngừa cho bệnh giang mai nên cần phòng ngừa từ xa như:
Tình dục an toàn: Chung thủy một vợ, một chồng. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: dùng đúng cách và thường xuyên.
Khi có triệu chứng nghi ngờ cần được chẩn đoán sớm và điều trị sớm kịp thời, dứt điểm tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Sàng lọc bệnh và điều trị dứt điểm Giang mai cho hai vợ chồng trước khi quyết định sinh con.
Mọi tư vấn về bệnh giang mai, quý bệnh nhân có thể liên hệ trực tiếp fanpage Bác sỹ Nguyễn Bá Hưng: nam khoa Dr Hung
Tài liệu tham khảo: